Bài viết tổng hợp những biện pháp đơn giản bạn có thể dễ dàng thực hiện nhằm giảm mức độ tiếp xúc với những nguồn gây ô nhiễm không khí.
Dưới đây là những cách đơn giản giúp bạn bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Giữ nhà cửa thoáng mát, lưu thông không khí
Nhiều người cho rằng nên đóng cửa kín để ngăn khói bụi xâm nhập vào ngôi nhà của chúng ta. Tuy nhiên, điều này lại vô tình khiến những khí độc có trong ngôi nhà không thoát ra ngoài được. Những khí độc này bao gồm những chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) có thể gây bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ và người lớn và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Hít thở không khí chứa lượng lớn những chất này có thể gây kích ứng mắt, mũi và họng, cản trở hô hấp, gây nôn mửa và thậm chí gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương.
Giữ nhà cửa được thông thoáng là cách hữu hiệu giúp chống các khí độc tích tụ bên trong. Ảnh: Hutomo Abrianto/Unsplash |
Thảm, sàn nhà trải nhựa vinyl, các sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm, keo xịt tóc, sơn, chất đốt dùng cho việc nấu ăn và sưởi ấm đều sản sinh ra những chất VOC này.
Do vậy, cách đơn giản để chúng ta có thể làm thông thoáng nhà cửa là mở cửa sổ ở những hướng cách xa đường giao thông và những nguồn ô nhiễm khác, đặc biệt là vào ban đêm, khi mức độ ô nhiễm bên ngoài thường ở mức thấp nhất.
Bạn nên dùng sàn nhà gỗ thay vì sử dụng thảm. Độ ẩm quá cao cũng góp phần làm tăng nồng độ các khí VOC. Máy lọc không khí trong nhà có thể làm giảm đáng kể lượng bụi và các chất gây dị ứng, nhưng không có tác dụng với các khí độc hay VOC.
Những lưu ý trong quá trình nấu ăn
Luôn luôn bật máy hút mùi khi nấu ăn. Khí gas dùng trong việc nấu ăn khi bị đốt có thể sản sinh ra các chất độc như nito đioxit, cacbon oxit, formanđehit. Thậm chí những nguyên liệu nấu ăn cũng có thể là nguồn gây ô nhiễm. Đơn cử như quá trình chế biến món bít tết với hạt tiêu và rau thơm được chiên nóng có thể làm phát sinh những hóa chất độc hại, gây kích ứng da và phổi.
Vài loại gia vị và rau thơm khi chiên lên có thể phát sinh những chất độc hại trong không khí. Ảnh: Gaelle Marcel/Unsplash. |
Theo Giáo sư Jonathan Grigg – một chuyên gia về hệ hô hấp và tác hại của vấn đề ô nhiễm, nấu ăn là một trong những nguồn chính sản sinh ra những chất gây ô nhiễm trong nhà.
Cách hữu hiệu nhất bạn có thể tự thực hiện tại nhà là sử dụng quạt thông gió. Sử dụng quạt thông gió, máy lọc không khí và giữ nhà cửa thông thoáng cũng có tác dụng giảm tác hại của chì có trong sơn tường. Trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai có nguy cơ hôn mê, thậm chí tử vong nếu bị nhiễm độc chì.
Nguy cơ từ quần áo làm từ sợi tổng hợp
Quần áo làm từ sợi tổng hợp là nguồn chính sản sinh ra những phân tử nhựa siêu nhỏ trong nhà. Con người có thể hít phải những phân tử này. Chúng có thể gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp, hệ tim mạch và thậm chí gây ung thư. Các chuyên gia cho rằng, những phân tử siêu nhỏ này có thể xâm nhập vào phổi, mạch máu gây ra các chứng bệnh về phổi và tắc nghẽn mạch máu.
Vải sợi tổng hợp có thể gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp, hệ tim mạch và thậm chí gây ung thư. Ảnh: Pinterest |
Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ bò trên sàn nhà có nhiều nguy cơ hít phải các phân tử này trong các hạt bụi. Khi quần áo làm từ sợi tổng hợp càng cũ, chúng càng dễ làm bung tỏa ra những sợi vải. Bạn nên dùng những loại vải với chất liệu tự nhiên.
Tránh sử dụng những chất tạo mùi
Những chất tạo mùi có thể tạo ra mùi hương dễ chịu trong ngôi nhà của bạn. Tuy nhiên, một nghiên cứu do Public Health England công bố cho thấy, những chất tạo mùi sản sinh ra một lượng đáng kể formanđehit – hóa chất có thể gây những hiện tượng dị ứng như hen suyễn.
Ngoài ra, các chất hóa học có trong các sản phẩm tạo mùi có thể phản ứng với các phân tử bụi và vi khuẩn trong không khí tạo ra những hóa chất độc hại.
Thay vì sử dụng xịt phòng, nến thơm, nước hoa, bạn hãy sử dụng hoa tươi để trang trí đồng thời mang hương thơm tự nhiên vào nhà. Ảnh: Unsplash. |
Bạn cũng nên tránh sử dụng các loại nến thơm, thường được làm từ paraffin – sản sinh ra rất nhiều phân tử hóa chất trong nhà khi bị đốt cháy.
Cách đơn giản để xua đi những mùi khó chịu trong nhà là mở cửa sổ và giữ nhà cửa được lưu thông không khí.
Tránh những tuyến đường đông đúc
Theo nghiên cứu từ Đại học King's College London, việc đi lại trên những con phố vắng vẻ hơn và tránh những tuyến đường lớn có thể giúp làm giảm độ phơi nhiễm với khí thải từ các phương tiện giao thông.
Khí thải từ các phương tiện giao thông có chứa nhiều chất độc hại. Ảnh: DailyMail. |
Sử dụng phương tiện giao thông công cộng
Một nghiên cứu thực hiện năm 2012 cho thấy, khách bộ hành, người đi xe đạp và ôtô hít lượng khí gây ô nhiễm nhiều hơn 33% so với những người đi xe buýt. Nguyên nhân là do luồng không khí lưu thông vào trong ôtô thường đến từ phía trước – trong nhiều trường hợp thường chứa khí thải từ ống xả của các phương tiện đi trước.
Một biện pháp để khắc phục tình trạng này là bật hệ thống điều hòa không khí trong ôtô sang chế độ lấy gió trong, để sử dụng không khí tuần hoàn bên trong cabin thay vì hút vào không khí ô nhiễm từ đường phố bên ngoài.
Che chắn xe đẩy em bé
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Environmental Pollution cho thấy, trẻ em đặt trong xe đẩy có nguy cơ bị phơi nhiễm với khí thải xăng dầu gấp đôi so với người lớn đi cùng. Nguyên nhân là do chiều cao của ống xả các phương tiện thường tương đương với vị trí khuôn mặt trẻ nhỏ trong xe đẩy.
Chiều cao của ống xả các phương tiện thường tương đương với vị trí khuôn mặt trẻ nhỏ trong xe đẩy nên khi ra ngoài bạn cần che chắn cho em bé cẩn thận. Ảnh: Freestock. |
Prashant Kumar - nhà nghiên cứu ô nhiễm đô thị thuộc Đại học Surrey, khuyến cáo các bậc phụ huynh nên sử dụng màn che xe đẩy để bảo vệ con cái mình.
Đừng bỏ qua việc tập luyện ngoài trời
Thực tế là việc ô nhiễm từ các phương tiện giao thông là một nguy cơ dẫn tới các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Copenhagen, những người rèn luyện thường xuyên ngoài trời giảm nguy cơ bị đau tim. Rõ ràng là lợi ích của việc tập luyện ngoài trời nhiều hơn tác hại của nguy cơ bị phơi nhiễm với các chất ô nhiễm.
Tập luyện ngoài trời, tắm nắng, bổ sung vitamin D để tăng sức đề kháng trước môi trường ô nhiễm. Ảnh: Christopher Campbell/Unsplash. |
Dùng vitamin D
Những phân tử siêu nhỏ từ khí thải của các phương tiện giao thông có thể lọt vào phổi con người. Một nghiên cứu mới đây cho thấy vitamin D có thể làm giảm mức độ ảnh hưởng của các phân tử này.
Đeo khẩu trang vừa khít với khuôn mặt khi ra ngoài
Một nghiên cứu của British Heart Foundation tiến hành trên những tình nguyện viên là những người bị xơ vữa động mạch cho thấy, những người mang khẩu trang khi đi bộ trong thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) có huyết áp thấp hơn và hoạt động tim khỏe mạnh hơn những người không đeo.
ConversionConversion EmoticonEmoticon